Trải nghiệm con đường rẽ đôi biển tại Vũng Tàu

Rất nhiều người đã đến Vũng Tàu nhưng ít ai biết rằng khi thủy triều rút xuống, một con đường ẩn sâu dưới biển hiện lên, đưa du khách rẽ đôi sóng biển tới Miếu Hòn Bà.
 

Nhắc tới các điều kỳ thú ở Vũng Tàu, không thể bỏ qua Hòn Bà và con đường độc đạo rẽ đôi biển khi thủy triều xuống.

Hòn Bà được ví như một hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 5.000m2, tọa lạc tại Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Là thắng cảnh đẹp, mang ý nghĩa tâm linh mà nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến. Trên đảo, có một ngôi miếu nhỏ, người dân nơi đây gọi là Miếu Hòn Bà, đây được cho là nơi linh thiêng luôn nghi ngút khói hương bởi là nơi thờ cúng, cầu cho những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió của ngư dân địa phương.

Xem thêm >>> du lịch Vũng Tàu 30/4 của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.

Để có thể nhìn thấy Miếu Hòn Bà, du khách chỉ việc đi men theo con đường Hạ Long vòng quanh núi nhỏ, từ Mũi Nghĩnh Phong nhìn xuống biển, du khách sẽ thấy một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển cả, xung quanh được bao phủ bởi nước biển trong veo.

Tương truyền, Miếu Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho tất cả những người làm nghề đánh cá trên biển. Năm 1939, một sĩ quan người Pháp tên Archi-nard cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy người Pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng người dân Vũng Tàu vẫn quen gọi tên là miếu Hòn Bà.

Vào thời điểm năm 1971, một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa. Trải qua nhiều lần duy tu, hình thành nên miếu Hòn Bà như ngày nay. Với chiều cao nổi trên mặt đất là 4m; bên trong Miếu Hòn Bà là điện thờ các vị thần linh; bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến. Mỗi năm miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch).

Có hai cách để có thể ra được Miếu Hòn Bà, đó là đi ghe, tàu khi nước nổi và đi bộ men theo con đường nhỏ kéo dài từ đất liền nối ra đảo. Khi ngắm nhìn từ trên cao, biển như bị tách làm đôi, nhường chỗ cho một con đường đá nhỏ, màu đen nối thẳng ra cổng của miếu. Để an toàn đi ra Hòn Bà, du khách không thể quên việc nên đi chậm và phải mang giày bởi sẽ có những mảnh hàu sắc, nhọn vô tính cứa vào chân.

Lịch để đi bộ theo con đường nhỏ ra Hòn Bà không giống nhau theo từng tháng, nhưng trong thời gian 2 ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng, thủy triều rút sâu hơn, con đường độc đạo hiện rõ hơn.

Nơi đây, tách biệt với cuộc sống thường nhật. Du khách sẽ cảm nhận được xung quanh tiếng sóng biển vỗ reo, từng đàn chim bay về thi nhau hót và tiếng tụng kinh bình yên từ trong miếu.
 

Nhưng du khách cũng cần phải để ý giờ để quay lại bờ, bởi chỉ sau vài giờ, khi thủy triều dâng lên con đường rẽ đôi biển sẽ mất hút thay vào đó là từng lớp nước trong xanh phủ che như chưa từng xuất hiện con đường trên.

Không chỉ là nơi linh thiêng để thăm viếng, Hòn Bà còn là bức tranh phong cảnh độc đáo nhất là mỗi buổi sáng bình minh hay mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Vào những đêm trăng rằm, nhìn từ Mũi Nghinh Phong, ánh trăng rọi xuống, miếu Hòn Bà nhìn yên bình và lấp lãnh hơn hết.

-st-